Trường Đại học Vinh được thành lập năm 1959 theo Nghị định số 375/NĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục với tên gọi ban đầu là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 29/02/1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục có Quyết định số 637/QĐ đổi tên Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 25/4/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Ngày 11/07/2011, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1136/TTg-KGVX đưa Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia.

Là một trong những trường đại học đầu tiên của nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Trường vinh dự được đóng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vùng địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng.

Từ khi thành lập đến nay, Trường đã trải qua 5 giai đoạn phát triển:

- Từ Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh đến Trường Đại học Sư phạm Vinh (1959 - 1965).

- Trường Đại học Sư phạm Vinh trong những năm sơ tán (1965 - 1973).

- Trường Đại học Sư phạm Vinh vượt qua khó khăn, từng bước đa ngành (1973 - 2001).

- Sự phát triển của Trường Đại học Vinh đa ngành (2001 - 2019).

- Xây dựng Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh, là trụ cột của các cơ sở giáo dục đại học khu vực Bắc Trung Bộ, hướng tới xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á (2019 - nay).

Từ Trường Đại học Sư phạm Vinh đến Trường Đại học Vinh hôm nay là thành quả của sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, sáng tạo, tự chủ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên và học viên của Nhà trường trong hơn 60 năm qua. Những thành quả đó khẳng định uy tín và vị thế của Trường Đại học Vinh trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và trên thế giới.

Với tiền thân là Trường Đại học sư phạm Vinh, trải qua hơn 65 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, với nhiều đóng góp xuất sắc cho nền giáo dục nước nhà, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới đất nước, Nhà trường đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Học phí của Trường Đại học Vinh năm 2025

Thực hiện theo Nghị định số 97/2023NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 ban hành Quy chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; Quyết định số 2128/QĐ-ĐHV ngày 26/8/2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, cụ thể:

Khối ngành (Theo Nghị định số 97/2023NĐ-CP)

Đơn giá tín chỉ (ĐVT: 1000 VNĐ)

Khối ngành I: Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên

 448

Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật

 414

Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên

 460 - 489

Khối ngành V: Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biên, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y

 460 - 489

Khối ngành VI.1. Sức khỏe (Điều dưỡng)

 517,5

Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường

 379,5 - 414

 

Lưu ý:

- Các chương trình đào tạo giáo viên, sinh viên đăng kí hưởng chế độ chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP không phải đóng học phí, được cấp bù sinh hoạt phí theo quy định;

- Chương trình đào tạo cấp bằng cử nhân: 126 tín chỉ;

- Chương trình đào tạo cấp bằng kỹ sư: 150 tín chỉ;

- Chương trình đào tạo cấp bằng bác sĩ Thú y: 160 tín chỉ;

- Lộ trình học phí tăng 15% mỗi năm so với năm học trước liền kề.

Học bổng tuyển sinh và các phần thưởng cho thí sinh trúng tuyển vào Trường có thành tích xuất sắc

- Trường Đại học Vinh xét, giới thiệu và trao 50 suất học bổng, phần thưởng với tổng giá trị: 250 triệu đồng cho những thí sinh trúng tuyển vào trường có thành tích xuất sắc (tiêu chí xét tuyển học bổng được cụ thể hoá trong Đề án tuyển sinh).

- Đối với học bổng khuyến khích học tập, miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên: Nhà trường thực hiện theo quy định của Nhà nước. Năm 2024, Nhà trường đã chi 169,5 tỷ đồng cho sinh viên thuộc nhóm học bổng này.

- Học bổng tài trợ từ các doanh nghiệp: Nhà trường luôn nhận được tài trợ của các doanh nghiệp để cấp học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi; học bổng tài trợ học tập định hướng làm việc cho các doanh nghiệp lớn như Foxconn, Luxshare ICT, Everwin, Radial Opto, CP.... Năm 2024, tổng giá trị học bổng được các nhà tài trợ để cấp cho sinh viên là 7,45 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nhà trường đã ký kết hợp tác với hơn 562 doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng việc làm đối với sinh viên sau tốt nghiệp. Hàng năm, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, Nhà trường triển khai các lớp đào tạo tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, tiếng Đức miễn phí cho các sinh viên có nhu cầu làm việc ở các quốc gia này. Năm 2024, Nhà trường có 635 sinh viên được đào tạo miễn phí ngoại ngữ; tổ chức 41 hội nghị, diễn đàn, ngày hội tư vấn việc làm và đã có hơn 5.000 sinh viên có việc làm bán thời gian và việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Năm 2025, Trường Đại học Vinh tuyển sinh 4335 chỉ tiêu, với 57 ngành/chương trình đào tạo, sử dụng 5 phương thức tuyển sinh tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển.

Phương thức 1 (301)

Xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng được quy định tại khoản 1, 2, Điều 8 của Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phương thức 2 (303)

- Thí sinh đạt Học sinh giỏi cấp Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương vào năm lớp 12 năm học 2024 - 2025, được ưu tiên đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm.

- Thí sinh đạt Học sinh giỏi cấp Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương vào năm lớp 12 năm học 2024 - 2025 đạt từ giải Ba trở lên và môn đạt giải có trong tổ hợp xét tuyển, được ưu tiên đăng ký xét tuyển vào các ngành ngoài sư phạm.

Phương thức 3 (100) và Phương thức 5 (405)

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Vinh xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được công bố trên trang thông tin điện tử của Nhà trường tại địa chỉ: https://vinhuni.edu.vn/

Phương thức 4 (200)

Thí sinh sử dụng học bạ cấp THPT xét tuyển phải đạt ngưỡng đầu vào với tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển của năm lớp 12 đạt từ 20 điểm trở lên (cả điểm ưu tiên nếu có). Ngoài ra, đối với ngành Điều dưỡng, kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT đạt loại Khá trở lên.

Lưu ý: Các ngành sư phạm không xét tuyển học bạ cấp THPT.

        Thông tin liên hệ và hỗ trợ thí sinh: https://vinhuni.edu.vn/danh-sach-can-bo-tu-van-tuyen-sinh-dai-hoc-chinh-quy-truong-dai-hoc-vinh-nam-2025-c06.01l0v0p0a130989.html