Nhu cầu đào tạo cử nhân báo chí là có thật
Hiện nay chúng ta đang sống trong một giai đoạn khá sôi động của lịch sử, kể cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Con người cần thông tin để sống một cách vững vàng, tin tưởng trong một thế giới đầy biến động. Ở Việt Nam, báo chí vẫn được xem như một “điểm tựa” đáng tin cậy của nhân dân. Tiếng nói của nhà báo rất có trọng lượng trong cuộc sống, vì vậy nghề báo có sức thu hút đối với giới trẻ.
Hiện nay ở Việt Nam có 4 thành phố với 5 cơ sở đào tạo ngành báo chí. Đó là Hà Nội (2 cơ sở), TP. Hồ Chí Mình, Huế, Đà Nẵng (mới 3 năm). Hàng năm, các cơ sở này cho ra trường khoảng 450 cử nhân báo chí. Với một đất nước có 90 triệu dân, gần 1000 cơ quan báo chí các loại thì con số này không nhiều. Hơn nữa, trong số 17000 nhà báo được cấp thẻ, có khoảng một nửa không có bằng chuyên ngành báo chí. Điều này dẫn đến một số hành vi không đẹp, thậm chí là phạm pháp của một số nhà báo. Tại Hội thảo “Quyền con người và báo chí” diễn ra vào ngày 24/10/2013 tại thành phố Vinh, nhiều diễn giả đã chỉ ra những khiếm khuyết của nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp như: Thiếu nghiệp vụ viết về các vấn đề tôn giáo, chạy theo thị hiếu thấp của một bộ phận độc giả, nói thêm, nói quá, dàn dựng vụ việc, thậm chí là bịa chuyện... Điều này chứng tỏ họ chưa được đào tạo bài bản, chính quy về nghề báo. Theo các chuyên gia về truyền thông, nếu được đào tạo chính quy, rất ít nhà báo phạm phải những sai lầm này.
Trường Đại học Vinh đủ điều kiện đào tạo ngành báo chí
Rất nhiều trường đại học muốn mở ngành báo chí, nhưng không phải trường nào cũng hội đủ điều kiện. Trường Đại học Vinh đã xây dựng và phát triển hơn 50 năm, có nhiều thành tích trong việc đào tạo nguồn nhận lực cho đất nước. Hiện nay trường có 969 cán bộ, công chức và khoảng 42 000 sinh viên. Trong tổng số 662 giảng viên, có 54 giáo sư, phó giáo sư, 04 giảng viên cao cấp, 175 tiến sĩ, 441 thạc sĩ, 133 giảng viên chính.
Ban Giám hiệu Trường Đại học Vinh, khoa Ngữ văn, khoa Luật đã có ý đồ mở ngành báo chí từ lâu. Họ lặng lẽ tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm của các trường ở Hà Nội, gửi người đi đào tạo sau đại học về báo chí, xây dựng chương trình...
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chặt chẽ trong việc cấp phép mở ngành báo chí cho các trường. Một trong những điều kiện cần là trường phải có ít nhất một tiến sĩ chuyên ngành Báo chí thuộc biên chế của trường.
Vào tháng 10 năm 2013, Trường Đại học Vinh đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiến sĩ Hồ Bất Khuất từng học chuyên văn Nghệ An, du học Nga, Mỹ; bảo vệ luận án tiến sĩ tại khoa Báo chí Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov năm 1995. Trong “làng” báo Việt Nam, tiến sĩ Hồ Bất Khuất là một trong rất ít người vừa nghiên cứu lý luận, vừa tham gia giảng dạy, vừa trực tiếp làm việc tại các cơ quan báo chí; hàng tuần, hàng tháng viết bài đều đặn.
Sau khi thẩm định đi, thẩm định lại hồ sơ xin mở mã ngành Báo chí của Trường Đại học Vinh, ngày 08/10/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định số 4553/QĐ-BGDĐT giao cho Trường Đại học Vinh đào tạo thí điểm ngành Báo chí trình độ đại học hệ chính quy. Có thể nói Trường Đại học Vinh đã được lĩnh “ấn tín” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đây không chỉ là tin vui đối với Trường Đại học Vinh, mà còn là tin vui đối với các tỉnh khu vực Bắc miền Trung, vì từ nay con em họ không phải đi xa để học ngành báo chí.
Vui thì rõ rồi, nhưng ban lãnh đạo của Trường Đại học Vinh, ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn xác định đây là một trách nhiệm nặng nề: Họ phải nỗ lực rất nhiều để đào tạo được những nhà báo có tay nghề và có bản lĩnh. Điều thuận lợi là khu vực Bắc miền Trung dân đông, hiếu học, yêu sự thật, khảng khái và đầy nhiệt huyết. Đây là những phẩm chất mà những nhà báo tương lai rất cần.
Chuẩn đầu ra cử nhân Báo chí, Trường Đại học Vinh:
+ Kiến thức:
- Nắm vững kiến thức giáo dục đại cương theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm các nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng;
- Có kiến thức khoa học cơ bản đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp;
- Có kiến thức cơ bản, hiện đại về khoa học báo chí;
- Có kiến thức cơ bản về 4 loại hình báo chí: Báo in, Phát thanh, Truyền hình, Báo điện tử; biết chuyên sâu về 1 trong 4 loại hình đó; ngoài ra, còn biết cơ bản về Quan hệ công chúng & quảng cáo; Tổ chức sự kiện...
- Hiểu, tuân thủ và vận dụng Luật Báo chí của Việt Nam, Những quy định về Đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam; Hiến chương báo chí của Liên hợp quốc...
- Có kiến thức văn hóa tổng quát;
- Có kiến thức tin học tương đương trình độ B;
- Có kiến thức ngoại ngữ tương đương trình độ Bậc 3 Khung châu Âu; cụ thể là có thể giao tiếp trong gặp gỡ, sinh hoạt bằng tiếng Anh, đọc hiểu những bài báo tiếng Anh trong lĩnh vực thời sự - chính trị - xã hội với sự trợ giúp của công cụ dịch trên Google.com (translate.google.com).
+ Kĩ năng:
- Nắm cơ bản các kĩ năng nghề nghiệp báo chí như: Tiếp nhận, khai thác, xử lý tư liệu – hồ sơ các vụ việc; soạn thảo lưu loát các văn bản trong lĩnh vực truyền thông; viết được một số thể loại báo chí chủ yếu, trong đó có tin, bài phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, chính luận (bình luận, chuyên luận, xã luận)... Ngoài ra, biết về nguyên tắc các kỹ năng thuyết trình, dẫn chương trình, thiết kế, trình bày, lên trang báo – tạp chí.
- Nói và viết tiếng phổ thông, nghĩa là phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa tr – ch, s – x,r – d, n – l...; các loại dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã;
- Sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật: máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, máy photocopy, máy fax, máy quét ảnh…;
- Kỹ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm; khả năng tự học, tự nghiên cứu; khả năng thích ứng với yêu cầu nghề nghiệp và làm việc độc lập.
Thái độ
- Có ý thức trách nhiệm công dân, thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn – nghĩa là ủng hộ, đấu tranh vì cái đúng, vì sự công bằng, vì quyền lợi của nhân dân; có ý thức kỉ luật và tác phong công nghiệp; tôn trọng các tiêu chuẩn thẩm mỹ nghề báo.
- Tôn trọng sự thật, có ý thức bảo tồn, giữ gìn những giá trị xã hội, nhân văn; tôn trọng giá trị chung nhân loại.
- Thường xuyên tu dưỡng đạo đức, có ý chí phấn đấu vươn lên trong công tác.
+ Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp:
- Đảm trách các công việc ở các cơ quan báo chí, tuyên truyền (Báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình…);
- Đảm trách các công việc trong bộ máy chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp…có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực báo chí.
- Đảm trách vai trò cố vấn về truyền thông của các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế lớn...
- Giảng dạy các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo báo chí và truyền thông.
+ Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
- Có khả năng tiếp tục học lên bậc trên đại học ở các chuyên ngành báo chí;
- Học văn bằng hai các ngành khoa học xã hội và nhân văn.