1.      Nhu cầu của xã hội và vị thế của ngành trong xã hội:

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng Trung ương (khóa VIII) tháng 7 năm 1998, đã ra Nghị quyết chuyên đề về: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", xác định những quan điểm cơ bản: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.Văn hóa là một mặt trận. Vì vậy nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực làm công tác văn hóa có chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý văn hoá đóng vai trò quan trọng.

Trên cơ sở đó, để đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho ngành Quản lý văn hóa - một trong những ngành đang được đầu tư quan tâm và có nhu cầu nguồn nhân lực lớn trong những năm gần đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định cho phép Trường Đại học Vinh mở mã ngành đào tạo Cử nhân Quản lý văn hóa.

Ngành Quản lý văn hóa có chức năng đào tạo Cử nhân khoa học chuyên ngành với các kỹ năng chuyên sâu như:  quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước; kỹ năng nghiên cứu, đề xuất các chính sách văn hóa; kỹ năng quản lý, điều hành các tổ chức văn hóa; kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở các cấp..., nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển nền văn hóa của các địa phương cũng như cả nước.

Chương trình đào tạo của ngành Quản lý văn hóa của Trường Đại học Vinh được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc chương trình của nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới và Việt Nam. Nội dung kiến thức gồm kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Cùng với phần lý thuyết được học tại trường, người học sẽ được đi thực tế, thực hành tại các cơ sở văn hóa và thực tập tại các cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa, nghệ thuật.

Mục tiêu đào tạo: nhằm đào tạo nguồn nhân lực ngành Quản lý Văn hóa có kiến thức và kỹ năng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của xã hội và nghề nghiệp trong giai đoạn chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

2.      Chuẩn đầu ra:

Kiến thức

  •  Nắm vững kiến thức giáo dục đại cương theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm các nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng;
  • Có kiến thức khoa học cơ bản đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp;
  • Có kiến thức cơ bản về khoa học quản lý, kiến thức về văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch, xã hội học; nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, đặc biệt là quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật;
  • Có kiến thức tin học tương đương trình độ B;
  • Có kiến thức ngoại ngữ tương đương trình độ B. 

Kĩ năng

  • Có kỹ năng quản lý, nghiên cứu đề xuất chính sách văn hóa;  có kỹ năng điều hành các tổ chức quản lý và hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở các cấp; kỹ năng công tác xã hội, kỹ năng dân vận;
  • Sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật trong việc quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa (máy ảnh, camera, ghi âm, projector...), có khả năng khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet;
  • Có kĩ năng làm việc nhóm; khả năng tự học, tự nghiên cứu; khả năng thích ứng với yêu cầu nghề nghiệp và làm việc độc lập.

 Thái độ

  • Có ý thức trách nhiệm công dân, thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, có ý thức kỉ luật và tác phong công nghiệp;
  • Có tinh thần tự giác, năng động, sáng tạo, có khả năng liên kết nghiên cứu khoa học, nắm vững đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
  • Say mê nghiên cứu và có ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa; thường xuyên cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp nghiên cứu;
  • Có ý thức tìm tòi, phổ biến giá trị văn hóa, nghệ thuật trong cộng đồng.

3.Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp: Cán bộ trong các cơ quan quản lý thiết chế văn hoá ở cơ sở như: Thư viện, Bảo tàng, Sở Văn hoá - Thông tin, Phòng văn hoá - Thông tin, các cơ quan báo chí...; các cơ quan quản lý Nhà nước có nhu cầu cán bộ văn hóa. Nghiên cứu và giảng dạy (nếu có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) ngành Văn hóa, Quản lý văn hóa tại các cơ sở đào tạo và các cơ quan văn hóa – thông tin.

 Cán bộ trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực am hiểu kiến thức về văn hóa, nghệ thuật;

4. Điều kiện học tập:

Tổ bộ môn Quản lý Văn hóa được thành lập vào tháng 6 năm 2013. Hiện nay tổ gồm có 6 cán bộ công chức, trong đó có 1TS, 1GVC, 4 Th.sỹ, 2 NCS (1 NCS ở Pháp, 1 NCS trong nước). Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn cao với các học hàm PGS, TS được mời từ các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, cácViện nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập: Hệ thống phòng học, thư viện, trang thiết bị kĩ thuật của trường Đại học Vinh khang trang, hiện đại đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu dạy học, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên.  Bên cạnh đó, nhà trường còn trang bị cho khoa và tổ bộ môn hệ thống các thiết bị kĩ thuật chuyên ngành như: máy quay phim, máy chụp ảnh, máy scan… để phục vụ quá trình thực hành các môn học.

 Khả năng được học thêm ngành thứ 2 tại trường: SV học ngành Quản lý Văn hóa được xét học ngành 2 vào  2 đợt: cuối học kỳ I và cuối học kỳ II của năm thứ nhất. Các ngành được học thêm là những ngành cùng khối xét tuyển đầu vào;

Số lượng SV đã và đang đào tạo: Khoa Lịch sử đã tuyển được hai khóa đào tạo K54 và K55 với tổng số sinh viên gần 100 em.

5. Hình thức TS, các môn xét tuyển năm 2015 và điều kiện (nếu có): Hình thức: xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia năm 2015; Các môn: Theo thông báo của Trường (đã thống nhất)

6. Điểm chuẩn các năm trước và chỉ tiêu TS năm 2015: Điểm chuẩn: lấy 3 năm gần nhất; Chỉ tiêu: mỗi ngành từ 80 đến 100

  7. Khi cần tư vấn thêm thông tin xin gọi:

- Số điện thoại, email của TBM:

Số điện thoại: 0983.938762; Email: b.minh.24@gmail,com

- Địa chỉ website của trường và đường link của khoa:

http://www.vinhuni.edu.vn

Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh với 50 năm xây dựng và trưởng thành chào đón các thí sinh dự tuyển vào ngành Quản lý văn hóa năm 2015.