Từ ngày 17/9 đến 22/9/2017, Đoàn công tác của Nhà trường gồm 11 thành viên, do TS. Nguyễn Thanh Mỹ PTP Đào tạo làm trưởng đoàn đã tham quan, học tập kinh nghiệm tổ chức dạy học theo CDIO tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

Nội dung chuyến đi tập trung vào các vấn đề chính thuộc 4 tiêu chuẩn của CDIO là:

- Tiêu chuẩn 7, 8: các phương pháp giảng dạy và học tập mới

- Tiêu chuẩn 9, 10: phát triển giảng viên

(Tham gia dự 11 giờ dạy tại 2 trường ĐHKHTN và ĐHKHXHNV)

Ngoài ra, đoàn cũng đã tìm hiểu một số nội dung liên quan đến các tiêu chuẩn khác như: Tiêu chuẩn 2 (CĐR), Tiêu chuẩn 3 (Chương trình đào tạo tích hợp), Tiêu chuẩn 4 (Giới thiệu các kỹ năng cá nhân và giao tiếp thiết yếu), Tiêu chuẩn 6 (Không gian học tập) và Tiêu chuẩn 11 (Đánh giá học tập).

            Kết quả thu được

Chương trình đào tạo theo CDIO của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đã được triển khai 11 năm, trong đó ĐHKHTN 8 năm, KHXHNV 3 năm và theo lộ trình: tiếp cận - thử nghiệm - triển khai đại trà. Cho đến thời điểm năm học 2017-2018, trường Đại học KHTN đã triển khai hầu hết các chương trình theo CDIO nhưng chủ yếu áp dụng cho Chương trình đào tạo Chất lượng cao. Trường Đại học Khoa học XH và NV có Khoa Báo chí sẽ triển khai đại trà từ năm học 2017-2018. Việc trường Đại học Vinh triển khai tiếp cận CDIO đồng loạt cho 42 chương trình đào tạo được các chuyên gia đánh giá cao về tính đồng bộ, quyết tâm chính trị. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo một số thách thức cần lưu ý trong quá trình triển khai đào tạo đại trà để rút ngắn được thời gian. Cụ thể:

- Vận dụng CDIO cho các ngành phi kỹ thuật

- Nguồn lực giảng viên tham gia giảng dạy chương trình tiếp cận CDIO

- Nguồn lực sinh viên tham gia học tập chương trình tiếp cận CDIO

- Nguồn lực cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ giảng dạy tiếp cận CDIO

Trên cơ sở dự giờ, tham quan tìm hiểu và trao đổi với giảng viên, sinh viên các trường Đại học KHTN và Đại học KHXH và NV thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi xin báo cáo các kết quả như sau:

a) Cơ sở vật chất

Trong bối cảnh chung cả các trường Đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích của trường Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn khá khiêm tốn, các tòa nhà chủ yếu là cũ. Từ phòng học đến phòng làm việc của các khoa, phòng ban đều rất khiêm tốn (Mỗi phòng ban, khoa chỉ có 1 phòng tương đương 1 đơn như nhà A0 của Trường Đại học Vinh). Tuy nhiên, phần lớn các khoa đều có tòa nhà riêng với các phòng thực hành thí nghiệm, phòng nghiên cứu và phòng học. Sinh viên được bố trí khu vực tự học, mặc dù khá đơn sơ và không được rộng rãi nhưng cũng đủ điều kiện tối thiểu và thường bên cạnh là các căng-tin của Nhà trường. Một điều khá thú vị là văn phòng khoa và phòng làm việc của các phòng ban khá khiêm tốn, diện tích rất nhỏ nhưng mỗi Bộ môn cũng được bố trí 1 phòng nhỏ làm Văn phòng Bộ môn và thường là liền kề với phòng thí nghiệm của Bộ môn đó.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có cơ sở phòng học mới, đẹp như của trường Đại học Vinh. Tuy nhiên, sự tiện lợi cho giảng viên trong việc ứng dụng ICT thì tốt hơn. Hầu hết phòng học đều có các hệ thống dây cắm cho hệ thống âm thanh vào máy tính cá nhân của giảng viên giúp cho việc kết nối các video, âm thanh trong quá trình giảng dạy rất tiện lợi. Hầu hết đều dùng micro không dây, giải phóng không gian bục bảng và bàn làm việc cho giáo viên.

Bàn học của sinh viên được bố trí dạng bàn đơn ghép lại với nhau, tạo điều kiện khá linh hoạt cho các hoạt động học tập trong mỗi tiết học. Hệ thống wifi khá mạnh, phủ kín ở tất cả các phòng học giúp sinh viên tương tác online trực tiếp với giảng viên trong giờ dạy và cũng tạo không gian tìm kiếm thông tin rộng rãi, đa dạng cho sinh viên tìm câu trả lời cho các câu hỏi của giảng viên. Bảng viết và màn hình máy chiếu được bố trí khá hợp lý. Bảng 2 mặt, một mặt màu xanh viết bằng phấn, một mặt màu trắng viết bằng bút dạ.

            b) Chương trình đào tạo và tổ chức dạy học

            Trong quá trình tham quan tìm hiểu, mặc dù chưa được tiếp cận trực tiếp và sâu sát với chương trình đào tạo và các hệ thống chuẩn đầu ra của các ngành thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên  điểm khác biệt lớn đó là xu hướng thiết kế theo dạng module nội dung xuyên suốt, tạo sự liên tục của một vấn đề tìm hiểu của sinh viên. Mỗi module là một chuỗi nội dung kiến thức trọn vẹn, tương ứng với một nhóm chuẩn nhất định. Việc giảng dạy các tiểu module được bố trí cho nhiều giảng viên cùng tham gia. Điều này đảm bảo sự linh hoạt trong tổ chức dạy học, đảm bảo được tiến độ trong các trường hợp giảng viên được trường điều động trong một số công việc khác và đặc biệt là sinh viên được học các chủ điểm nội dung khá trọn vẹn, giảng viên nắm được chuẩn đầu ra của sinh viên, đặc biệt là sự tiến bộ về kỹ năng.

            Việc bố trí thời gian học tập cũng khá linh hoạt, mang tính chủ động cao cho giảng viên. Mỗi buổi học, sinh viên chỉ học một nội dung với thời gian cố định từ đầu, không chia nhỏ thời gian buổi học theo các tiết học. Thời gian nghỉ giữa giờ do giảng viên quyết định. Điều này giúp giảng viên chủ động thời gian để kết thúc vấn đề và chủ động thời gian trong các hoạt động nhóm, thảo luận; không cần phòng uống nước, phòng nghỉ giữa 2 tiết dạy của giảng viên, giảm được thời gian chết giưa 2 tiết dạy (Đây là yếu tố cung cần xem xét vì thực tế ở Đại học Vinh, giảng viên không chậm tiết đầu tiên, nhưng có thể ngồi lâu hơn 3-5p, thậm chí có 1 số giảng viên chậm đến 10p cho mỗi lần nghỉ giữa giờ). Tuy nhiên, trật tự của khu vực học tập lại phụ thuộc khá nhiều vào sự tự giác và ý thức  trách nhiệm của sinh viên. Việc đảm bảo thời lượng giảng dạy lại phụ thuộc và đạo đức và trách nhiệm của giảng viên. Đây thực sự là một thách thức đối với Đại học Vinh.

- Sinh viên được cung cấp chuẩn đầu ra, kế hoạch dạy học cụ thể và các bài kiểm tra, các hoạt động học tập theo lộ trình của học kỳ.

            Đào tạo thông qua trải nghiệm chưa được tham quan, nhưng nhìn chung theo giới thiệu thì trường thường xuyên có sự giảng dạy trải nghiệm ở các cơ sở sản xuất, cơ quan tuyển dụng. Một số ngành đào tạo trải nghiệm trong các khu dân cư.

            c) Giảng viên

            Giảng viên đóng vai trò then chốt trong việc triển khai giảng dạy theo CDIO. Đặc trưng của phần lớn giảng viên của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh không xuất phát từ ngành sư phạm nên trong quá trình thực hiện CDIO, các trường, khoa đều có chiến lược Bồi dưỡng năng lực sư phạm, kỹ năng thực hành phương pháp giảng dạy đại học cho toàn thể giảng viên. Đây thực sự lại là một lợi thế của trường vì hầu hết các giảng viên đều có nhận thức giống nhau và cơ bản đều sử dụng hệ thống các phương pháp giảng dạy tương đồng nhau. Đặc biệt, hầu hết các lớp bồi dưỡng đều do chuyên gia các nước tiên tiến về giảng dạy nên các kỹ năng đứng lớp khá hiện đại và cập nhật. Vì thế, tính đồng đều về phương pháp khá cao. Lợi thế lớn nữa về đội ngũ giảng viên của Đại học Quốc gia HCM là năng lực tiếng anh rất tốt nên có khả năng tiếp cận với các dữ liệu thông tin từ tài liệu ngoại văn. Mặc dù Đại học Vinh là cái nôi của Sư phạm, có nhiều nhà Giáo dục giỏi, nhưng theo tôi đây lại chính là thách thức vì tính đồng đều không cao, có sự bảo thủ nên khó thay đổi về tư duy và phương pháp.

Các lớp giảng dạy theo CDIO đều có trợ giảng là cán bộ, sinh viên năm cuối, học viên cao học, NCS. Giảng viên bớt được khá nhiều thời gian để chấm bài, kiểm tra bài tập, thu thập dữ liệu các hoạt động trên lớp của sinh viên, điểm danh,… để tập trung chủ yếu và việc thiết kế bài dạy. Thông thường mỗi môn học, mỗi tiểu module có 2 trợ giảng hỗ trợ, nhưng thực tế cũng có một số giảng viên có đến 4, thậm chí 5 trợ giảng.

            Giảng viên vận dụng khá nhuần nhuyễn các hệ thống mạng xã hội để tương tác với sinh viên, thực hiện kiểm tra kiến thức nhanh trên lớp. Một số công cụ thường xuyên được sử dụng đó là facebook, kahoots, google sheet, google.sites …

            Đặc biệt, trường và khoa đều có đội ngũ giảng viên dạng leader để hỗ trợ giảng viên khác trong quá trình thực hiện giảng dạy theo CDIO. Qua trao đổi, hầu hết giảng viên dạng leader đều làm việc theo tinh thần tự nguyện. Chưa có thời gian và cũng là vấn đề nhạy cảm nên chưa có cơ hội tìm hiểu làm cách nào để thúc đẩy, giữ vững động lực cho đội ngũ giảng viên này trong suốt 8 năm trời thực hiện CDIO ở Đại học Quốc gia HCM.

Lớp tập huấn phương pháp giảng dạy đại học tại Trường ĐH khoa học tự nhiên

Nội dung khóa tập huấn bao gồm 5 chủ đề chính, với thời lượng: 60 tiết

1. Hệ thống đào tạo theo học chế tín chỉ (Credit based System)

2. Phương pháp xây dựng chuẩn đầu ra (Learning Outcomes)

3. Phương pháp giảng dạy chủ động (Active Teaching)

4. Phương pháp đánh giá kết quả học tập (Learning Assessment)

5. Phương pháp thiết kế đề cương môn học (Syllabus Design)

Trong đó nội dung “Phương pháp giảng dạy chủ động" gồm 5 chủ đề chính với tổng thời lượng 30 tiết: 

1. Các PPGD CĐ (10 tiết)

2. Cách thức tiếp cận và phân loại sinh viên (5 tiết)

3. Thúc đẩy động cơ học tập tích cực cho SV (5 tiết)

4. Xây dựng môi trường học tập cộng tác (5 tiết)

5. Nâng cao năng lực tư duy qua các hoạt động giảng dạy (5 tiết)

            Các phương pháp dạy học chủ động được áp dụng ở ĐH Quốc gia TPHCM


            d) Công tác thí nghiệm thực hành, NCKH

            Công tác thực hành thí nghiệm của trường Đại học Khoa học tự nhiên vận hành khá giống với các trường Đại học trên thế giới. Trưởng Bộ môn là người có quyền cao nhất ở các phòng thí nghiệm của Bộ môn mình. Nội quy phòng thí nghiệm được ký ban hành bởi Trưởng Bộ môn. Đặc biệt, đội ngũ trưởng phòng thí nghiệm là các giảng viên có uy tín khoa học cao và có trách nhiệm cao nhất về mặt chuyên môn của phòng đó. Tất cả các trưởng phòng thí nghiệm đều là cán bộ kiêm nhiệm.     

Ví dụ:

- Phòng thí nghiệm Nghiên cứu ưng thư do GS TS Trần Linh Thước, Hiệu trưởng làm trưởng phòng;

- Phòng thí nghiệm Phân tích trung tâm do PGS TS Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng làm Trưởng phòng;

- Phòng thí nghiệm Vật liệu kỹ thuật cao có PGS TS Trần Cao Vinh, Trưởng phòng Đào tạo làm trưởng phòng;

- Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học phân tử do PGS TS Đặng Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, Trưởng Bộ môn làm trưởng phòng…

            Phòng thí nghiệm và thực hành được quản lí bởi Bộ môn. Hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm đều có câu trúc các phòng liên thông với nhau theo khối và nhóm gần với các phòng thực hành, phòng chuyên đề và phòng nghiên cứu với các mức độ điều kiện nghiêm ngặt khác nhau. Học viên cao học, NCS được phép làm việc 24/24 tại các phòng chuyên đề và phòng nghiên cứu, sinh viên tiến hành các bài thực hành trong phòng thực hành. Trưởng Bộ môn, Trưởng phòng thí nghiệm chịu trách nhiệm về an toàn, cơ sở vật chất và chuyên môn của phòng mình, bộ môn mình.

            Các phòng phân tích chuyên sâu được bố trí riêng với các bộ phận quản lí riêng. Các mẫu phân tích của sinh viên và học viên cao học, NCS được giảm 50% giá thành. Thông thường các phòng này chỉ phục vụ dịch vụ và thực hiện chương trình lớn, các cán bộ của Nhà trường có đề tài cũng phải trả tiền phân tích giống như bên ngoài.

            e) Sinh viên và hoạt động tự học của sinh viên

Giảng dạy các kỹ năng học tập và hành nghề cho sinh viên qua 4 hình thức:

- Bố trí 2 bài trong học tập chính trị đầu khóa

- Một phần nội dung chính của môn Nhập môn

- Hai học phần: Kỹ năng học tập và Kỹ năng mềm

- Khuyến khích học Kỹ năng mềm từ Trung tâm ICT của Trường

Tuần sinh hoạt chính trị đầu khóa, ngoài nội dung kiến thức theo quy định, trường còn đưa vào nhiều nội dung thiết thực cho sinh viên như: cách sinh viên đối diện với xã hội; kỹ năng sống ở thành phố; … Đặc biệt, có nội dung hướng dẫn sơ bộ về CDIO và cách học, cách dạy theo CDIO. Như vậy, không chỉ giảng viên, sinh viên cũng phải được làm quen với CDIO trước khi học những môn học đầu tiên. Ngoài ra, sau mỗi năm học, Nhà trường lại có bộ phận tổ chức sinh hoạt để xác định tiến độ học tập và định hướng học tập cho năm tiếp theo. Điều này là một cách làm khá hay và tôi cho rằng đây là giải pháp sẽ mang lại hiệu quả cho việc giảm thiểu tỷ lệ thôi học, bỏ học. Đồng thời cách làm này cũng giúp sinh viên chấn chỉnh được việc học và tốt nghiệp kịp thời, đạt chuẩn đầu ra theo công bố.

Sinh viên được giảng viên giao việc cụ thể cho từng ngày với từng vấn đề cụ thể. Tiến độ làm việc của sinh viên được theo dõi và quản lí nhờ mạng xã hội, công cụ google sheets. Để tránh áp lực cho sinh viên khi bị nhiều bài tập, nhiều giảng viên bắt làm nhiều nhiệm vụ của nhiều môn học trong cùng một thời điểm, trưởng Bộ môn sẽ kiểm soát bài tập và yêu cầu các giảng viên cho bài tập dự án theo nhóm, mang tính tích hợp nhiều môn học phục vụ mục tiêu chung. Tiến độ của bài tập sẽ tương ứng với các giai đoạn hoàn thiện của một bài tập dự án. Điểm của mỗi môn học tương ứng sẽ được chấm theo sản phẩm của từng giai đoạn theo tiến độ chung của dự án. Trong một số trường hợp, một nhiệm vụ chung, các giảng viên sẽ chấm ở các khía cạnh khác nhau để phù hợp với mục tiêu môn học mình phụ trách.

            Sinh viên được bố trí khu vực tự học ở sảnh của trường, có bàn ghế, có wifi để làm bài tập, thảo luận nhóm … Việc bố trí căng tin bên cạnh khu vực tự học cũng là một giải pháp mang tính khả thi cao. Gần như không có phòng uống nước của giáo viên mà chỉ có căng tin mà thôi.

- Sự tương tác của giảng viên với sinh viên, sinh viên với sinh viên không chỉ diễn ra nơi lớp học mà có thể ở nhiều không gian, thời gian khác nhau nhờ ứng dụng CNTT.

f) Về kiểm tra đánh giá:

Về đánh giá, ở cả hai trường đều trao toàn quyền đánh giá cho giảng viên. Điểm đánh giá gồm nhiều con điểm khác nhau đều hướng tới các chuẩn đầu ra.

Phần mềm nhập điểm của trường Đại học KHTN vừa đánh giá điểm cho sinh viên đạt ở mức điểm số môn học, vừa đánh giá được mức độ đạt được của mục tiêu môn học.

            g) Sự kết nối với doanh nghiệp

            Việc kết nối với đơn vị tuyển dụng bên ngoài trường cũng rất chặt chẽ. Ngoài việc kết nối địa điểm thực tập, Đại học quốc gia HCM còn cho phép các khoa trong các trường thành viên kết nối để đại diện nhà tuyển dụng tham gia giảng dạy cho sinh viên về kỹ năng nghề nghiệp. Đương nhiên, với lợi thế là thành phố lớn nên việc kết nối cũng khá thuận tiện. Mấu chốt nằm ở cơ chế cho doanh nghiệp tham gia giảng dạy như thế nào?

Kế hoạch hoạt động sau đợt học tập kinh nghiệm

- Tổ chức xêmina chia sẻ kinh nghiệm ở cấp bộ môn, viện/khoa

- Triển khai dạy thao giảng ít nhất 2 giờ cấp bộ môn, viện/khoa và cấp trường

- Đến nay TS. Hoàng Vĩnh Phú, đã tổ chức xêmina cấp viện; TS.Trần Xuân Sang đã thao giảng giờ đầu tiên cấp viện.

Đề xuất giải pháp thực hiện CDIO ở trường Đại học Vinh

1. Cấp Trường:

Phát huy vai trò của Ban Nghiên cứu và phát triển chương trình tiếp cận CDIO, các thành viên của Ban phải là những Leader trong lĩnh vực CDIO. Đích đến của Ban hiện tại đang mang tính chất định hướng dài hạn. Vì thế để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy ngay cho khóa 58 tiếp cận CDIO cần 1 tổ chuyên môn theo kiểu cầm tay chỉ việc, có trách nhiệm cụ thể hơn.

Tổ chuyên môn có trách nhiệm:  Hỗ trợ về kỹ thuật, phương pháp giảng dạy, chuyên môn cho các Bộ môn, giảng viên ở các Khoa/Viện trong quá trình thực hiện chương trình dựa trên các hoạt động: Xây dựng đề cương chi tiết, đề cương bài giảng, hỗ trợ về ứng dụng Công nghệ thông tin, hỗ trợ về kỹ thuật giảng dạy…

            Thành phần của Tổ chuyên môn: Là các trưởng nhóm Chuyên môn của các Khoa/Viện (Không nhất thiết là trưởng Khoa/Viện), những người đã chủ trì xây dựng Chuẩn đầu ra, Khung chương trình, đề cương môn học, đề cương bài giảng… tiếp cận CDIO của Khoa/Viện và những người am hiểu về đào tạo CDIO của Trường.

2. Cấp viện/khoa:

Thành lập nhóm chuyên môn về triển khai chương trình đào tạo tiếp cận CDIO ở cấp Khoa/Viện.

Từ kinh nghiệm của trường Đại học KHTN-Đại học QG HCM, việc thành lập một đội ngũ tinh nhuệ của Khoa/Viện là cần thiết để chương trình đào tạo của  Khoa/Viện tiếp cận CDIO được diễn ra đúng tiến độ. Đội ngũ này vừa đóng vai trò giúp đỡ các giảng viên làm quen trong giai đoạn quá độ, vừa đóng vai trò kiểm soát việc thực hiện giảng dạy tiếp cận CDIO và trong những trường hợp cụ thể, có thể sẽ làm thay để tiến độ dạy học, quyền lợi sinh viên không bị gián đoạn, ảnh hưởng.

3. Nghiên cứu cải tiến quy chế, cơ chế quản lí và vận hành của Trung tâm Thực hành thí nghiệm

- Đối với các ngành thực nghiệm, việc học tập tại phòng thí nghiệm được xem là một trong những phương thức hiệu quả để sinh viên rèn kỹ năng thực nghiệm, tiệm cận với điều kiện làm việc của các cơ sở nghề nghiệp sau này. Vì thế, thời gian sinh viên, giảng viên làm việc tại phòng thí nghiệm phải nhiều hơn, dần tiếp cận với việc sinh viên xem phòng thí nghiệm như nhà của mình, cách mà các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nôi, Đại học Công nghiệp thực phẩm Hồ Chí Minh đang thực hiện. Ở các trường Đại học nêu trên, cơ chế quản lí về tài sản rất chặt chẽ, nhưng vẫn tạo được hành lang quy chế cho sinh viên, giảng viên đến làm việc.  

- Gắn trách nhiệm của Trưởng Bộ môn trong việc quản lí về chuyên môn, an toàn phòng thí nghiệm, quản lí tài sản các phòng thí nghiệm thuộc Bộ môn của mình.

- Gắn trách nhiệm cá nhân về mặt tài sản, chuyên môn, vận hành, bảo quản thiết bị cho các Trưởng phòng thí nghiệm. Như ở phần thực trạng ở trên, trưởng phòng thí nghiệm đều kiêm nhiệm và thường là người có chuyên môn tốt nhất về chuyên ngành hẹp của ngành đó. Việc kiêm nhiệm sẽ tốt cho chuyên môn, nhưng không làm phình to đội ngũ Quản lí.

- Xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên đề, phòng thí nghiệm nghiên cứu để nâng cao sản phẩm khoa học, đồng thời cũng xem xét việc xây dựng các phòng phân tích chuyên sâu để làm dịch vụ, trước hết là dịch vụ cho chính sinh viên, học viên cao học, NCS, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà trường, sau đó sẽ phát triển dần để phân tích cho các đối tượng bên ngoài.

4. Về chương trình đào tạo và quản lý đào tạo

- Cho phép thí điểm việc thiết kế chương trình và giảng dạy theo dạng module ở một số ngành, giúp giảm tải số đầu môn như GS. Hiệu trưởng đã chỉ đạo lâu nay. Việc giảm số đầu môn lâu nay chỉ mang tính chất cơ học nên chưa thực sự hiệu quả vì một số giảng viên sợ mất môn học truyền thống của chính mình. Trước mắt, có thể thí điểm ở các chuyên đề chuyên ngành, tiếp đến là các môn thuộc nhóm ngành và cơ sở ngành.

Ví dụ: Thay vì học 4 -5 học phần riêng biệt cho 1 chuyên ngành hẹp như hiện nay, chỉ cần thiết kế 1 chuyên đề trọn vẹn theo định hướng CDIO với thời lượng không thay đổi, số người dạy vẫn như cũ hoặc thậm chí nhiều hơn nhưng đầu môn học chỉ có 1 và có thể cho đánh giá dưới dạng 1 dự án. Nếu việc thí điểm thành công thì có thể tiếp tục thực hiện ở các học phần hoặc nhóm học phần ngành và cơ sở ngành.

- Cho phép việc thực hiện giảng dạy vượt ra khỏi phạm vi lớp học. Một trong những đặc điểm nổi bật của CDIO là học trải nghiệm trong bối cảnh nghề nghiệp. Hoạt động kiến tập, thực tế lâu nay cũng đã tiến hành nhưng ở quy mô chương trình đào tạo. Hiện nay, theo cơ chế quản lí đào tạo và Thanh tra công tác đào tạo, việc học tập ở phạm vi ngoài lớp học chưa được khyến khích. Vì thế, cần mạnh dạn cải tiến chương trình, nội dung một số học phần cho phép 1-2 buổi được học ở doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động, cơ sở sản xuất…Việc tăng cường học ở cơ sở sản xuất, đơn vị tuyển dụng sẽ giúp sinh viên trải nghiệm tốt hơn về nghề nghiệp của mình, tăng kiến thức thực tiễn cho cả thầy và trò.

5. Nghiên cứu biện pháp tăng động lực cho đội ngũ giảng viên, cải thiện môi trường giáo dục trong toàn trường

- Rất khó để có minh chứng cho điều này, nhưng cảm nhận cho thấy sự hy sinh của giảng viên, mối quan hệ thân thiện giữa giảng viên và sinh viên ở Đại học Quốc gia HCM tốt hơn ở Đại học Vinh. Cũng giống ở Đại học Vinh, Đại học Quốc gia HCM vẫn chưa có giải pháp triệt để nhằm động viên các giảng viên có tinh thần trách nhiệm cao và giảng viên hoàn thành trách nhiệm về mặt cơ học. Tuy nhiên, qua trao đổi với sinh viên cho thấy, trách nhiệm của giảng viên với sinh viên của họ có vẻ tốt hơn.

- Để giảng dạy theo phương thức chủ động, nhà trường cần tập huấn cho Giảng viên và sinh viên về phương pháp giảng dạy và học tập chủ động theo CDIO.

6. Cải tiến nội dung của tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, tăng cường sinh hoạt định hướng sau mỗi năm học

- Cần tăng thêm các nội dung về kỹ năng sống, kỹ năng học ở bậc đại học, kỹ năng đối diện với cái xấu cho sinh viên đầu khóa.

- Cần có chương trình cụ thể, được dạy bởi người có kinh nghiệm về cách dạy và cách học theo CDIO cho sinh viên trong sinh hoạt đầu khóa. Đó là cách sinh viên làm quen và đồng thời cũng giám sát việc giảng dạy theo tiếp cận CDIO của các giảng viên tham gia giảng dạy.

- Cần có chương trình chi tiết định hướng tiếp tục học tập cho sinh viên sau mỗi năm học. Việc này có thể làm theo quy mô Khoa/Viện hoặc cấp trường. Trong bối cảnh tuyển sinh khó ở một số ngành, với số lượng sinh viên ít thì hoạt động định hướng cấp trường ở những năm đầu sẽ giúp điều phối tốt hơn. Nếu hoạt động này làm tốt, chắc chắn tỷ lệ thôi học sẽ giảm xuống.

7. Cơ sở vật chất

- Nâng cấp hạ tầng CNTT

- Cải tiến phòng học đáp ứng yêu cầu đòa tạo tiếp cận CDIO, giao cho viên/khoa nghiên cứu đề xuất mô hình phòng học để thiết kế phù hợp với từng ngành.

Một số hình ảnh tham quan, học tập tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh



Bài, Ảnh: Phòng Đào tạo